Một số tính năng an toàn, như việc cảnh báo va chạm sớm, đã có từ vài năm nay, nhưng chủ yếu trên những mẫu xe hạng sang. Và tin tốt là các hệ thống này đang ngày càng tốt hơn và dần phổ biến ở dòng xe đại chúng.
Tiềm năng của những hệ thống này là rất lớn, đến mức Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS) đã thêm hệ thống tránh va chạm vào danh sách đánh giá an toàn. IIHS cũng đã xác định rằng những hệ thống này có thể ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ tai nạn. Giờ đây, để đạt điểm cao từ IIHS, một chiếc xe cần phải có hệ thống cảnh báo va chạm phía trước với phanh tự động.
Ngoài ra, bất kì một hệ thống phanh tự động nào cũng phải hoạt động hiệu quả trong các bài kiểm tra chính thức do IIHS tiến hành. Cơ quan quản lý an toàn giao thông quốc giá Mỹ (NHTSA) cũng cân nhắc đưa một số hệ thống tránh va chạm thành trang bị bắt buộc.
Tuy nhiên, chi chí cho các hệ thống tránh va chạm vẫn là trở ngại. Hầu hết các hệ thống tiên tiến chỉ là một phần của gói tùy chọn lớn hoặc trên các phiên bản cao cấp nhất của một dòng xe.
Laze, radar và camera
Các hệ thống an toàn chủ động dựa trên một số cảm biến, camera, laze và radar tầm ngắn/tầm xa. Chúng theo dõi những gì diễn ra xung quanh, bao gồm: xe, người đi bộ, người đi xe đạp và thậm chí là chính bản thân chiếc xe. Sau đó, dữ liệu được xử lý bởi máy tính để cho ra những nhắc nhở tới người lái. Đó là âm thanh như một tiếng bíp, đèn báo hiệu nhấp nháy ở bảng điều khiển hoặc một sự rung động ở ghế hoặc vô lăng. Nếu không có phản ứng, hệ thống có thể thực hiện phanh một phần hoặc dừng hẳn.
Các hệ thống an toàn chủ động hiện tại
Các nhà sản xuất dùng những cái tên riêng để tiếp thị cho sự an toàn trên những mẫu xe của họ. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng để đánh giá đầy đủ về tính năng an toàn của chiếc xe.
Cảnh báo phía sau: cảnh báo tình hình giao thông phía sau của xe, bao gồm cả người đạp xe và người đi bộ trong các tình huống như lùi xe hoặc ra khỏi bãi đỗ xe mà bị che khuất tầm nhìn.
Cảnh báo va chạm phía trước và phanh tự động: hệ thống kết hợp radar, laze, camera để báo cho lái xe về việc sắp xảy ra va chạm dù chạy ở bất cứ tốc độ nào. Nếu lái xe bỏ qua cảnh báo, hệ thống sẽ tự động phanh với một phần hoặc toàn bộ lực.
Theo dõi điểm mù: hệ thống sử dụng ra đa hoặc camera để quét khu vực bên cạnh và phía sau, tìm những phương tiện trong "vùng mù" quan sát. Khi phát hiện ra có gì đó trong vùng mù, một đèn báo sẽ sáng và nhấp nháy mạnh hơn nếu thấy bạn định rẽ.
Phát hiện người đi bộ: hệ thống có thể phát hiện người đi bộ nằm trên hướng đi của xe và tự động phanh một phần hoặc đôi khi là dừng hẳn. Điều tương tự cũng có thể áp dụng với người đi xe đạp.
Đèn pha thích nghi: đèn pha sẽ di chuyển để chiếu sáng con đường ở những đoạn cong, giúp tăng cường khả năng phản ứng để tránh các chướng ngại bất ngờ.
Cảnh báo làn đường: hệ thống sử dụng máy ảnh và cảm biến để xác định các vạch kẻ đường và khoảng cách tới chúng. Nếu đi lệch, hệ thống sẽ phát âm cảnh báo hoặc rung ghế ngồi/vô lăng. Nâng cao hơn, xe có thể tự động phanh hoặc đánh lái để về đúng làn đường đang đi. Điều này tỏ ra hữu ích khi di chuyển trên đường cao tốc hơn là những còn đường quanh co, nhỏ hẹp.
Phát hiện buồn ngủ: hệ thống sử dụng một thuật toán để so sánh hành vi của lái xe với lúc bắt đầu chuyến đi hoặc theo dõi vị trí, tìm kiếm biểu hiện của sự thiếu chú ý, theo dõi chuyển động mắt và đưa ra cảnh báo bằng tiếng chuông, đèn sáng hoặc phanh lướt.
Tự động đỗ xe: hệ thống xác định một không gian đỗ xe song song hoặc vuông góc với xe của bạn. Khi tìm thấy, xe tự động đánh lái vào chỗ đậu hoặc ngược lại.
Camera sau và hỗ trợ đỗ xe: camera sau sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các mẫu xe vào năm 2018. Chúng giúp bạn lùi xe, đỗ xe trong không gian hẹp hay tránh được những tai nạn như lùi xe phải một đứa trẻ đang chơi phía sau xe và hệ thống hỗ trợ đỗ xe sẽ thông báo bằng âm thanh ngày càng to khi xe sắp tiếp xúc với một vật cản. Đây là yếu tố không thể thiếu trên những chiếc SUV hay pickup với vùng mù phía sau lớn.
Mạnh Tuấn